Xin kính chào quí vị phụ huynh và thân hữu,
Thưa các Trưởng và anh chị em HĐS,
Tôi vui mừng tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 30 năm hoạt động của các đơn vị HĐVN ở Pháp. Nếu kể từ ngày phục hoạt HĐVN ở Hà Nội năm 1950, tôi đã theo sát quãng đường 65 năm của HĐVN, khi hội đủ tiêu chuẩn gia nhập, rồi trở nên thành viên chính thức của Tổ chức HĐTG. Tôi cũng cố gắng liên lạc với số ít bạn HĐ đi thoát từ miền Nam cuối tháng Tư 1975, rồi một số lớn hơn theo làn sóng thuyền nhân hay đường bộ vượt biên, tới các đảo, các trại tiếp cư trên nhiều nước láng giếng Đông Nam Á. Tôi tự hào cùng với những anh chị em đồng cảnh tị nạn tản mác ở nhiều nước, sớm đóng góp vào sự giữ chặt mối giây huynh đệ dẫn tới sự kết hợp và hình thành hệ thống HĐTƯ và BTV, cơ cấu điều hành của PT-HĐVN hải ngoại, trên nền tảng Hiến Chương Costa Mesa năm 1983 mà tôi lá tác giả soạn thảo. Những anh chị em trong CN Pháp có thể cảm thấy hãnh diện đối với vị trí tiên phong của Hội chúng ta, luôn ở hàng đầu nỗ lực chung nhằm củng cố, phát triển hệ thống HĐTƯ với sự thành lập các CN-HĐVN ở khu vực Âu Châu như Na-Uy, Hoà-Lan, Đức, Bỉ, Ý và Anh. Ước vọng của tôi là các anh chị em thuộc thế hệ hiện thời sẻ có mặt trong hàng ngũ tiên phong trong quá trình cập nhật, hiện đại hóa của HĐVN hải ngoại trong thế kỷ 21 sắp trọn thập niên thứ nhất.
Ước vọng riêng tư của tôi nay vừa tròn 80 tuổi là sẽ có mặt trong buổi kỷ niệm niên kỷ 40 của Hội năm 2019, và biết đâu, kỷ niệm tuổi 50 của CN Pháp chung với kỷ niệm 100 năm thành lập HĐVN năm 2030. Đã có một số đàn anh trường thọ để tôi theo gót ; ba Trưởng trên 90 còn hoạt động thì hai vị ở Mỹ là Mai Liệu, Đinh Xuân Phức, và một ở quốc nội là Trần Văn Lược. Chưa kể hai vị nêu kỷ lục bách tuế khuất bóng chưa lâu là trưởng Trần Văn Thao và trưởng Cung Giũ Nguyên, đều ở thành phần sáng lập PT-HĐVN năm 1930.
Nhớ lại buổi đầu vào việc tại Pháp, khả năng thiên phú của con người VN trong hoàn cảnh bắt buộc ly hương là sự dễ dàng lãnh hội ngôn ngữ, trình độ hấp thụ kiến thức ngành nghề hợp cảnh, cộng với bản tính cần cù, chăm làm chăm học, khiến cho cộng đồng HĐ và cộng đồng tị nạn có thể mau chóng thích nghi với môi trường, với cuộc sống ở bản địa. Tuy nhiên, chính sự dễ dàng ấy làm nảy sinh khuynh hướng sao lãng sự tìm hiểu, trau dồi văn hóa và truyền thống gốc nguồn của thế hệ trẻ bây giờ. Khi lớn lên hay sinh ra ở xứ ngoài, tiêm nhiễm cái dở ở bản địa thì quá tự nhiên, học tập đầy đủ cái hay đẹp thì không giản dị như vậy. Nhưng người HĐVN sẵn có thêm căn bản tinh thần và định hướng để nương tựa là tôn chỉ, cùng đích và phương pháp HĐ. Vấn đề chỉ là tìm hiểu thấu đáo nhu cầu, trù hoạch tiến trình phù hợp, vạch những cột mốc đánh dấu từng bước đường đã chọn lựa để tự kiểm điểm.
Sứ mệnh, cũng là lý do sự hiện diện của PT-HĐVN hải ngoại, nhấn mạnh vào công cuộc kế tục truyền thống và nhiệm vụ giáo dục trẻ ở VN các thế hệ trước đã vạch từ năm 1930, từng bền vững dù trải qua các biến thiên to lớn của thời cuộc, những hệ lụy không do bản thân mà do những cá nhân hay chế độ cầm quyền ở quốc nội gây nên. Di sản HĐVN quyết tâm giữ vững và bảo tồn là tấm lòng thành thực yêu quí đất nước dân tộc, ý chí cố gắng tối đa phục vụ công ích, vì nghĩa đồng bào và tình nhân loại. Sứ mệnh đặc thù của HĐVN hải ngoại là tiếp tay với gia đình và cộng đồng người Việt ly hương chuyên lo giáo dục truyền thống Việt, công tác không ở mức ưu tiên đối với nhà nước sở tại ngay ở Mỹ, nơi có khoảng hai triệu công dân Mỹ-Việt. Sinh hoạt HĐVN giúp các thế hệ trẻ khám phá rồi thấm nhuần được phong cách và bản sắc tiềm ẩn của dân tộc Việt. Cùng đích của PT-HĐVN, cũng là của CN Pháp, không mâu thuẫn với mục tiêu hòa nhập có sự chung sức đặc biệt của Hội HĐ Công giáo (SDF) trong Liên Hội HĐ Pháp. Ở lãnh vực truyền thống VN, các hội HĐ anh em trên lãnh thổ Pháp đầy thiện chí yểm trợ, duy không có khả năng đảm trách vai trò thay cho chúng ta.
Nhân dịp phát biểu ở đây, tôi xin được vinh danh đóng góp của nhiều thân hữu, của những trưởng, những anh chị em tráng sinh và đoàn sinh lớn nhỏ đã từng ít nhiều thời gian đồng hành góp sức trong Hội. Hồi ức của tôi cố ghi nhớ bóng hình của anh chị em những năm đầu thành lập rồi suốt chu kỳ hoạt động. Dù nay vì nhiều lý do không có mặt đủ, nhưng tôi tin rằng các anh chị em ấy lưu giữ cảm tình với HĐ và sẵn sàng chia xẻ niềm vui sinh hoạt chung với tất cả chúng ta mỗi khi thuận tiện. Đương nhiên, chúng ta sẽ nghênh tiếp nồng nhiệt anh chị em cũ, sẽ đồng ca bài hoan hô anh này (chị này) một (và nhiều nhiều) cái khi đón vào hội trường hay trại.
Trước khi kết thúc, tôi xin có đôi lời riêng với các trưởng, những nhà giáo dục trẻ ở lảnh vực ngoài học đường và gia đình.
Xin các Trưởng chịu khó nghe thêm một lần lời nhắc nhở của tôi : chúng ta không có nhiệm vụ đào tạo nhằm biến đoàn sinh đồng hóa thành người Pháp 100% - thực tế đây là ảo tưởng do ý chủ quan ước mong. Gia đình nào muốn sự đồng hóa triệt để nên giao con em cho một hội HĐ Pháp ; chúng ta sẽ giới thiệu nếu cần. Công tác của chúng ta đã nhận danh hiệu HĐVN, là kích thích sự tìm hiểu nguồn gốc của trẻ, qua đó sẽ dần dần các em lãnh hội ý thức về phẩm chất, về bản sắc con người VN, những khác biệt sẽ làm phong phú đóng góp sau này của các em trong xã hội công dân Pháp. Điều quan trọng là nội tâm thăng bằng, ổn định. Đây là yếu tố không thể thiếu vắng khi các em nỗ lực phát triển đầy đủ nhân cách, phù hợp với cùng đích của con đường HĐ.
Xin mở ngoặc để tán thưởng một, hai trưởng Pháp – tôi coi như "lai Việt" do huyết thống hay hôn nhân với một cựu HĐVN - đã tham gia sinh hoạt cùng với con cái mấy năm gần đây. Lời trình bày của tôi với thành ý, mong có thể soi rọi thêm vào nội dung công tác giáo dục mấy vị đang góp phần cho Hội.
Giáo dục truyền thống Việt, tóm gọn tức là giáo dục phong cách, bản sắc con người Việt, mới đích thực là nhiệm vụ của PT-HĐVN hải ngoại. Phương thức giáo dục có nhiều cách thể hiện. Những tập tục, thói quen của xã hội cũ, cộng với sự bắt chước mô hình sinh hoạt HĐ thời quốc nội trước, là những hình thức bề nổi, tầm mức hiệu quả về giáo dục truyền thống vừa ít, vừa có hạn định tùy theo lứa tuổi, lại có thể gây ảnh hưởng trì trệ tư duy, chậm bước trước trào lưu tiến hóa không ngừng ở xã hội định cư. Văn hóa tương đối có thể coi như truyền thống trên bình diện dễ nhận biết, nhưng cần tách biệt bộ môn văn học, nghệ thuật, có những ý niệm và bước sáng tác cần thời gian dài và tùy theo xu hướng tiếp nhận của đa số người Việt để được coi như thành tố cố định.
Theo tôi nghĩ, ngôn ngữ và lịch sử mới là công cụ chính để chuyển tải hữu hiệu truyền thống, tạo sự cảm thông và liên hệ đầy đủ về nguồn gốc và tập thể dân tộc. Hiện thời, không có ai, không CN nào có thể tự nhận phương thức giáo dục truyền thống của mình là hoàn hảo. Lãnh vực còn mở rộng cho sự sáng tạo, hợp với tinh thần khai phá, xung phong tìm lối mở đường của HĐ. Bước đầu là đối thoại để chọn lựa trước khi chung sức hoạch định một khung sườn giáo dục truyền thống.cho mọi lứa tuổi HĐ. Tôi đã thử khơi động sự đối thoại khi đảm trách công tác ủy viên truyền thống trong BTV-HĐTƯ nhưng không gây được sự hưởng ứng cần thiết. Có thể là vì ý kiến của tôi chưa phổ biến đầy đủ - vì chưa có mạng truyền thông quốc tế, trong khi các trưởng đương thời phụ trách đơn vị đã dùng hết thời gian ngoài phận sự tâm linh, gia đình, nghề nghiêp, để chu toàn sự hướng dẫn sinh hoạt đoàn sinh. Nhưng tôi sẽ không ngưng lời kêu gọi tạo dựng một khung sườn cho chương trình giáo dục truyền thống, cho các khóa gọi là huấn luyện truyền thống. Hy vọng các trưởng thông cảm sự khắc khoải ấy trước thời gian còn lại của tuổi đời người phát biểu.
Trân trọng cảm tạ quí vị và anh chị em
Voi Già – Nghiêm Văn Thạch